Trang chủ Tin tức

NHU CẦU THUỐC KÊNH OTC SẼ TĂNG TRỞ LẠI TRONG NĂM 2022

Chia sẻ :

Trong bối cảnh chi tiêu cho thuốc bình quân đầu người thấp, giới phân tích nhận định dư địa tăng trưởng đối với doanh nghiệp dược trong nước còn dồi dào. Theo đó, nhu cầu thuốc kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) dự báo sẽ tăng trở lại vào năm 2022 do nhu cầu dồn nén vào năm 2021.

Thực tế, dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm những chủng mới nhưng với việc Chính phủ thúc đẩy hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, chuyển chiến lược từ Zero Covid sang "sống chung an toàn với dịch" sẽ giảm bớt lo sợ của người dân khi đến những nơi đông người như bệnh viện. Điều này tác động tích cực đến doanh thu kênh ETC khi kênh này chiếm khoảng 70% thị phần của cả thị trường thuốc.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, kênh ETC còn có thể dẫn đầu tăng trưởng ngành năm 2022 nhờ phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng rộng, chính sách của nhà nước đang bảo vệ thuốc sản xuất trong nước.

Trước đó, Chính phủ thúc đẩy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, tăng từ 67% năm 2012 lên 91% năm 2020; đồng thời, đặt mục tiêu đưa tỷ lệ này đạt 95% vào năm 2025.

Song song đó, Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập nêu rõ trong Nhóm 5 và Nhóm 2, các loại thuốc nhập khẩu có thể không được phép chào thầu nếu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn WHO-GMP và EU-GMP tương ứng về cùng một hoạt chất chính (API) và nếu năng lực sản xuất của công ty có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu.

Trên cơ sở này, quan sát trên thị trường cho thấy, một trong những doanh nghiệp được lợi hưởng lợi từ dư địa tăng trưởng của ngành và xu hướng dài hạn của thuốc kênh ETC là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang.

Với chiến lược tăng cường đầu tư kênh điều trị, Dược Hậu Giang đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản). Nhờ sự hỗ trợ của Taisho, 2 dây chuyền sản xuất viên nén và viên nén bao phim của Dược Hậu Giang đã được Cục Quản lý dược công bố đạt chuẩn Japan-GMP ngày 7/12/2020 với danh mục sản phẩm lớn, gần 100 loại thuốc.

Trên thị trường dược hiện nay, chứng nhận Japan-GMP giúp gia tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa không chỉ trên kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn, chủ yếu ở các tiệm thuốc tư nhân) mà còn ở kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) khi thuốc ngoại chiếm phần lớn thị phần thông qua đấu thầu. Nguyên nhân do Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng dược phẩm châu Âu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dược trong nước.

Không chỉ chủ động nâng cao năng lực sản xuất tạo điều kiện cho doanh nghiệp thâm nhập sâu vào kênh ETC, thời gian qua, mức tăng trưởng về giá trị trúng thầu của các doanh nghiệp dược nội địa cũng chỉ ra triển vọng mạnh mẽ của kênh ETC.

Đơn cử đối với Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, trong 9 tháng năm 2021, doanh nghiệp đã trúng thầu 1,4 nghìn tỷ đồng giá trị hợp đồng trong gói thầu kênh bệnh viện. 96% số tiền này đến từ các loại thuốc Nhóm 1 và 2, là bậc cao nhất về chất lượng thuốc trong bệnh viện. Đáng chú ý, giá trị trúng thầu của IMP trong 9 tháng năm 2021 đã tương đương với 150% giá trị trúng thầu của năm 2020.

Nguồn: Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam

  • Hương Thảo

---------------------------------------------

View: 3166   Back    Up to top   

Tin tức cũ liên quan:

Tin tức khác :